Nghiệp và Nhân quả (Kinh Mahākammavibhaṅgasutta)

Nghiệp và Nhân quả |
10 Tháng 10
Nghiệp và Nhân quả (Kinh Mahākammavibhaṅgasutta)

4 Hạng Người

Một đoạn trong bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta Đức Phật thuyết giảng cho Ngài Đại đức Ānanda, có 4 hạng người trong đời như sau:

- Này Ānanda, trong đời này, có 4 hạng người, đó là:

1. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

2. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là thiện nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

3. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

4. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là ác nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

4 Nhóm Samôn, Bàlamôn

1. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ sự tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Vị Samôn hay Bàlamôn công bố rằng:

- Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”.

Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy số người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, ác nghiệp cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

2. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

- Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”.

Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; tất cả những người ấy sau khi chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

3. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

- Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”.

Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, thiện nghiệp cho quả cả thảy đều tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng

4. Này Ānanda, trong đời này, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng:

Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”.

Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

Đức Phật công nhận và không công nhận những lời lẽ của Samôn hoặc Bàlamôn

1. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

- Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

“Thưa quý vị, có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”.

Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

- Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hay vị Bàlamôn ấy.

- Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

- Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Tại vì sao?

Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

2. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, thật vậy, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Tại vì sao?

- Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

3. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”.

Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh trên cõi thiện dục giới, cõi trời”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Tại vì sao?

- Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

4. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy:

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

“Thưa quý vị, không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”.

Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Thưa quý vị, những người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula,ngạ quỷ, súc sinh”.

Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng:

Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng:

Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”.

Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy.

Tại vì sao?

- Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ).

Nghiệp Và Quả Của Nghiệp

1. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

2. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

3. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời.

Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

4. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; vì trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…).

4 Tính Chất Của Nghiệp

Này Ānanda, như vậy tóm lại:

Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ.

Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp.

Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp.

Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực.

(Tóm lược từ bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta)

 

Giải Thích 4 Tính Chất Của Nghiệp

Theo Chú giải bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta, giảng giải 4 tính chất của nghiệp và cơ hội cho quả của nghiệp.

1. Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ như thế nào?

Ác nghiệp có vô số loại, trong vô số ác nghiệp ấy, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy mới có thể cho quả. Ác nghiệp có cơ hội, có quyền ưu tiên nhất trong các ác nghiệp, đó là ác nghiệp nặng nhất.

Ác nghiệp nặng nhất có khả năng ngăn cản ác nghiệp nhẹ khác không cho có cơ hội cho quả; ác nghiệp nặng nhất ấy giành quyền ưu tiên cho quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), và tiếp tục cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Còn các ác nghiệp khác trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho ác nghiệp nặng nhất ấy cho quả càng nặng thêm nữa.

Như vậy, gọi là ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ.

2. Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp như thế nào?

Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại này, chắc chắn đã tích luỹ cả vô số ác nghiệp lẫn vô số thiện nghiệp. Vậy ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy cho quả của nó.

Ác nghiệp có cơ hội cho quả thì ngăn cản thiện nghiệp cho quả trong những trường hợp như sau:

Trường hợp người tạo ác nghiệp tà kiến cố định (aniyata-micchādiṭṭhikamma) nghĩa là người này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Trong các loại ác nghiệp, ác nghiệp tà kiến cố định này nặng nhất, không có nghiệp nào có thể ngăn cản ác nghiệp ấy cho quả của nó được. Cho nên, sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci.

Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có tạo ác nghiệp vô gián (anantariyakamma) như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Ác nghiệp vô gián này nặng thứ nhì, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp vô gián này cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avicī (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được).

Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố địnhác nghiệp vô gián, mà có tạo ác nghiệp thường hành nghĩa là tạo ác nghiệp hằng ngày đêm trở thành thói quen. Nếu không có thiện nghiệp nào có năng lực hơn, thì chính ác nghiệp thường hành này có cơ hội cho quả của nó.

Trường hợp trong lúc lâm chung, người ấy bị mê sảng, hoặc phát sinh tâm sợ hãi… do hiện tượng của ác nghiệp, đó là ác nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, cho nên sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

Như vậy, gọi là ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp không cho quả, để cho ác nghiệp ấy cho quả của nó.

3. Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp như thế nào?

Ngoại trừ 2 loại ác nghiệp trọng tội đặc biệt là: Ác nghiệp tà kiến cố định ác nghiệp vô gián ra, người nào đã tạo các loại ác nghiệp loại thường khác, nhưng về sau, người ấy có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi cố gắng tinh tấn, có khả năng tạo mọi thiện nghiệp từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp (4 Thánh Đạo), thì thiện nghiệp này có khả năng, có cơ hội ngăn cản ác nghiệp không cho quả, để cho thiện nghiệp ấy cho quả của nó.

Hoặc trường hợp trong lúc lâm chung, người thân của bệnh nhân thỉnh mời chư Tỳ khưu Tăng đến thăm bệnh nhân, khi còn sáng suốt hiểu biết, Ngài Đại đức hướng dẫn bệnh nhân thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, rồi chư Tỳ khưu Tăng tụng kinh cho bệnh nhân nghe, thuyết pháp giảng dạy, làm cho bệnh nhân phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch, lắng nghe kinh, lắng nghe pháp… đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung. Cho nên người bệnh sau khi chết, chính thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời, hưởng được mọi sự an lạc trong cõi trời.

Như vậy, gọi là thiện nghiệp có cơ hội cho quả ngăn cản ác nghiệp không cho quả.

4. Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực như thế nào?

Thiện nghiệp có 4 loại từ thấp đến cao như sau:

8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm trong sự bố thí giữ giới, hành thiền v.v...

5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiền thiện tâm.

4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiền thiện tâm.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm.

Thiện nghiệp có nhiều năng lực có cơ hội cho quả, ngăn cản các thiện nghiệp có ít năng lực không cho có cơ hội cho quả như sau:

Trong những dục giới đại thiện nghiệp, dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy ngăn cản các dục giới đại thiện nghiệp khác còn lại không có cơ hội trực tiếp cho quả, mà trở thành đại thiện nghiệp hỗ trợ cho quả của đại thiện nghiệp ấy được an lạc thêm nữa.

Trong những sắc giới thiện nghiệpvô sắc giới thiện nghiệp, nếu hành giả đã chứng đắc đến bậc thiền hữu sắc hoặc bậc thiền vô sắc nào cao nhất, thì chỉ có bậc thiền cao nhất ấy mới có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh mà thôi; các bậc thiền thấp còn lại trở thành thiện nghiệp vô hiệu quả, không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.

Như vậy, gọi là thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực cho quả.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp có đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm liền cho quả tương ứng là 4 Thánh Quả Tâm, không có thời gian khoảng cách (akālikadhamma) nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền tiếp theo Thánh Quả Tâm ấy sinh, chỉ sau 1 sát-na tâm sinh và diệt trong cùng một Thánh Đạo lộ trình tâm ấy.

4 Thánh Đạo Tâm tương ứng với 4 Thánh Quả Tâm trở thành 4 bậc Thánh Nhân:

1. Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm - Nhập Lưu Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

2. Nhất Lai Thánh Đạo Tâm - Nhất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

3. Bất Lai Thánh Đạo Tâm - Bất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Bất Lai.

4. Arahán Thánh Đạo Tâm – Arahán Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Arahán.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả tái sinh kiếp sau như những tam giới thiện nghiệp. 4 bậc Thánh Nhân có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh theo tuần tự từ thấp đến cao như sau:

- Bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; đến kiếp thứ 7 bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

- Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh trong cõi thiện dục giới 1 kiếp duy nhất nữa mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

- Bậc Thánh Bất Lai vĩnh viễn không còn tái sinh trở lại trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới mà thôi; tại cõi trời sắc giới, bậc Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

- Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại, khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

 

Trích từ: http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/NghiepVaQuaCuaNghiep/Nghiep1.htm#2

Tin liên quan

Đang lấy bài viết liên quan...
Đang cập nhập hóa đơn, vui lòng đợi...