Tìm hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết

Chuyên mục ngày Tết |
06 Tháng 11
Tìm hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết

Người Việt thường lì xì cho nhau để trao những lời chúc tốt đẹp nhân dịp Tết Nguyên đán.

Nguồn gốc của tục lì xì

Lì xì đầu năm vốn tồn tại từ lâu, nguồn gốc của phong tục này cũng được thêu dệt ra khá nhiều câu chuyện. Có chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.

Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.

Lại có câu chuyện kể rằng tiền lì xì được biến thể từ tục “đặt áp tế tiền” - là những đồng tiền được xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở giường hoặc nôi với mục đích chống tà ma, bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Theo thời gian, mọi người để tiền trong những bao giấy màu đỏ để trao cho nhau vào dịp năm mới với ý nghĩa chúc nhau sung túc, khỏe mạnh, an khang. Lì xì từ đó trở thành phong tục không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới. Dù có bao nhiêu “dị bản”, phong tục trao lì xì đầu năm luôn gắn liền với mong ước sức khỏe dồi dào cho những người thân yêu.

Phong bao nhỏ, ý nghĩa lớn

Ngày Tết trẻ con được nghỉ học, được đi chợ, được mặc áo mới và nhất là chúng được mừng tuổi bằng tiền trong phong bao đỏ chót.

Không biết từ bao giờ tục mừng tuổi đầu năm ra đời để rồi lưu truyền từ năm này sang năm khác và đến giờ vẫn được gìn giữ. Trong những ngày Tết, mọi người đến nhà những người mình yêu quý để thăm hỏi và chúc Tết đồng thời không quên mừng tuổi (lì xì) khi gặp trẻ em hay những người cao tuổi. Mừng tuổi đầu năm như một lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc.

xem van han 2017

Lì xì là những phong bao màu đỏ bên trong chứa tiền mới, gọi là tiền may mắn. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong ngày Tết.

Phong bao mừng tuổi còn tượng trưng cho tài lộc, nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc...

Bí quyết cho việc lì xì ngày Tết thêm ý nghĩa

Lưu truyền đến ngày nay, tục lì xì đã thay đổi ít nhiều bởi thói quen của người lớn dẫn đến việc con trẻ thường coi trọng “nội dung” bao lì xì mà ít quan tâm đến những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì và dạy trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.

Tin liên quan

Đang lấy bài viết liên quan...
Đang cập nhập hóa đơn, vui lòng đợi...