Những tập tục đón năm mới lạ lùng trên thế giới

Chuyên mục ngày Tết |
05 Tháng 11
Những tập tục đón năm mới lạ lùng trên thế giới

Điểm qua những tập tục đón năm mới với những tập tục lạ lùng của người dân tại một số nước trên thế giới, những hoạt động đón năm mới không chỉ có những lời chúc tụng, những cái ôm và bữa ăn đầy ắp món ngon với đầy đủ người thân trong gia đình mà còn có những tập tục vừa lạ đời vừa hàm ý sâu sắc cho những ước muốn trong năm mới.

Điểm qua những tập tục đón năm mới lạ lùng của người dân tại một số nước trên thế giới, màu sắc đón năm Bính Thân của bạn thêm phần phong phú, đặc biệt là bạn vẫn có thể kịp mua vé đi du lịch để cùng hòa vào không khí năm mới cùng họ.

Tại Nga: Sau một năm tất bật, người dân ở Nga thường có thói quen viết ra những ước muốn, những dự định trong năm mới vào một mẩu giấy. Liệt kê xong điều ước, họ đem đốt mẫu giấy này và đặt vào một ly rượu champagne. Sau đó họ uống ly rượu này ngay trước thời điểm giao thừa để mong rằng những điều mong muốn sẽ thành hiện thực trong 12 tháng tới.

Peru: Một trong những hoạt động thú vị mà người dân nào ở Peru cũng mong chờ mỗi dịp đón năm mới chính là “trò chơi” dùng khoai tây để dự đoán những điều sẽ xảy ra trong 12 tháng sắp tới. Theo truyền thống, người trong gia đình sẽ dùng 3 củ khoai tây đặc dưới ghế ngồi hoặc ghế sô-fa trong phòng khách. Củ đầu tiên sẽ được gọt vỏ toàn bộ, củ thứ hại gọt vỏ một nửa và một củ để nguyên vỏ. Vào nửa đêm, mỗi người sẽ chọn ngẫu nhiên để xem mình bắt được củ khoai tây nào. Nếu người nào bốc trúng củ khoai tây  nguyên vỏ, năm đó xem như tình hình tài chính của họ luôn sung túc.

Tây Ban Nha: Hiện nay người dân tại Tây Ban Nha vẫn giữ truyền thống ăn đúng 12 quả nho trước khi chiếc đồng hồ điểm những thời khắc cuối cùng của ngày 31 tháng 12 và bước sang năm mới. Người dân tin rằng ăn trọn 12 quả nho sẽ tượng trưng cho 12 tháng may mắn trong năm. Địa điểm diễn ra truyền thống ăn nho chính là tại gia đình cùng người  thân hoặc nhiều người sẽ kéo nhau ra quảng trường nơi có chiếc đồng hồ lớn Puerta de Sol ở Madrid để cùng đếm ngược thời gian và thi xem ai ăn hết 12 quả nho nhanh nhất.

Nhật Bản: Nhiều người dân của xứ sở mặt trời mọc vẫn giữ truyền thống ra bãi biển hoặc trèo lên một ngọn đồi, núi để cầu nguyện vào buổi bình minh đầu tiên của năm mới. Người dân tin rằng ánh mặt trời đầu tiên của ngày đầu năm mới chứa nguồn năng lượng siêu nhiên, có thể đem lại sức khỏe và may mắn. Đây là phong tục phổ biến từ thời đại Meiji tới nay. Trong ba ngày đầu tiên của năm mới, người Nhật thường thích thưởng thức osechi-ryori là “bộ sưu tập” các món ăn được chuẩn bị trang trọng và đựng trong hộp sơn mài. Mỗi món ăn và thành phần trong hộp đầu mang một ý nghĩa riêng như sức khỏe tốt, sống lâu, mùa màng bội thu... Cụ thể như món cam đắng Daidai có nghĩa là từ thế hệ này đến thế hệ khác và biểu tượng cho một lời lúc tốt đẹp dành cho trẻ em vào dịp năm mới, bánh cá nướng Kamaboco đầy màu sắc ngụ ý chúc mừng và mang những điều vui vẻ, món trứng cuộn với lòng đỏ - trắng được tách riêng tượng trưng cho vàng và lòng trắng tượng trưng cho bạc. Món cá mòi khô sốt nước tương tượng trưng cho vụ mùa bội thu…

Brazil: Người dân Brazil, đặc biệt là ở thành phố Rio de Janeiro thường có phong tục mặc trang phục mới màu trắng để đón năm mới bởi họ tin rằng đó là màu của may mắn, hòa bình và mới mẻ. Tất cả những điều này đều muốn gửi gắm hy vọng rằng năm mới sẽ tốt hơn năm qua. Trong trang phục màu trắng, mọi người sẽ tập trung đến những điểm bắn pháo hoa chào đón thời khắc đầu tiên của năm và sau khi xem pháo hoa xong, họ sẽ chạy ùa ra bãi biển để nhảy qua 7 con sóng. Người dân tin rằng khi nhảy sóng, vị thần biển sẽ mở ra cho họ nhiều cơ hội trong năm mới và mỗi lần nhảy một con sóng, họ vừa cầu nguyện một điều ước cho minh. Cùng với nhảy sóng, nhiều người còn thả nến và hoa để cầu mong tình hình trong năm mới sẽ sáng sủa, may mắn hơn và truyền thống này có từ thế kỷ 16.

Anh: Khi đồng hồ điểm đúng vào thời khắc giao giữa năm cũ và năm mới, nhiều người dân xứ sở sương mù sẽ mở cánh cửa sau nhà để tống tiễn năm cũ. Ngoài ra, họ còn sắp xếp một người đàn ông tóc đen đến “xông nhà” bằng cửa trước và mang đến một số lễ vật như muối, than và bánh mì. Truyền thống này tượng trưng cho rằng người đàn ông sẽ mang lại may mắn để cả nhà gia chủ sẽ đủ đầy và thịnh vượng trong năm mới.

Ý: Có lẽ nước Ý là nơi có tập tục đón năm mới được xem là “hot” nhất trên thế giới bởi theo truyền thống cả nam và nữ sẽ phải mặc “nội y” màu đỏ để cầu may mắn. Ngoài ra, để cầu mong cho hạnh phúc gia đình, tình cảm lứa đôi thêm bền chặt trong năm mới, các đôi uyên ương thường tự thưởng cho nhau một đêm mặn nồng khó quên để đánh dấu cột mốc trong năm mới. Ngoài ra, các cặp đôi còn thưởng thức một bữa ăn ngon gồm thịt, đậu lăng, chân giò heo nhồi và xúc xích để cầu mong cuộc sống trong năm mới thật đủ đầy và suôn sẻ.

Ecuador: Nếu bạn nào thích đi du lịch thì có lẽ Ecuador sẽ là nơi mà bạn có thể tham gia tập tục đón năm mới hết sức hợp ý. Người dân Ecuador, nhất là những người thích đi du lịch thường sẽ làm theo phong tục xưa đó là kéo, xách một cái va-li rỗng đi vòng quanh khu vực nhà của mình mà không sợ hàng xóm phiền lòng và trong lòng họ sẽ cầu mong rằng năm mới sẽ sung túc hơn để có thể ngao du nhiều vùng đất.

Siberia: Người dân tại Siberia có một phong tục đón năm mới khá là “lạnh buốt”, đó là người dân sẽ đi trên bề mặt băng ở hồ Baikal và cắt một khoảng băng để tạo ra một lỗ lớn. Sau đó họ sẽ lặn xuống đáy hồ để trồng cây thông dưới đáy hồ để đánh dấu năm mới và tượng trưng cho việc cầu sự may mắn trong năm mới.

Chile: Cổ quái nhất trong tập tục đón năm mới chắc có lẽ thuộc về người dân ỏ Talca, Chile. Người dân ở đây tin rằng đón năm mới là dịp sum họp cùng với người thân trong gia đình, kể cả những người đã khuất. Vì thế vào thời điểm đón năm mới, nhiều người thường mang nến, nhạc cụ ra nghĩa trang và lưu lại đây đến nửa đêm.

Nam Phi: Nếu đón năm mới ở Nam Phi thì bạn cần phải cẩn thận và có thể phải đội mũ bảo hiểm. Đó là một số người dân ở đây vẫn còn giữ tập tục ném vật dụng cũ trong nhà qua cửa sổ vì họ tin rằng hành động này có thể giúp tống tiễn cái cũ để chào đón cái mới trong năm mới.

Nói về tập tục đón năm mới đầu tiên trên thế giới, câu trả lời là đã có từ cách đây hơn 4.000 năm ở Babylon. Thời ấy, người Babylon tin rằng vào kỳ trăng đầu tiên của thời điểm Xuân phân, từ giữa tháng 3 trở đi, thời điểm mà ban ngày và ban đêm dài ngắn bằng nhau chính là khởi đầu cho một năm mới. Vào thời gian này người Babylon cổ thường mở hội rất lớn kéo dài khoảng 11 ngày - lễ hội Akitu (từ gốc của người Sumer cổ thuộc phía nam lưỡng hà, Iraq hiện nay, dùng để chỉ các loại ngũ cốc) với nhiều nghi lễ khác nhau như kết hợp với ăn mừng chiến thắng huyền thoại của thần Marduk đã đánh bại ma vương Tiamat, hoặc chào đón vị vua mới lên nối ngôi. Sau đó, lịch sử phát triển của nhân loại kéo theo sự phát triển của lịch về thời gian, và tùy theo lịch, cột mốc đánh dấu ngày đầu tiên của năm mới căn cứ vào mùa màng hoặc các hiện tượng thiên văn học. Chẳng hạn như tại Ai Cập, một năm mới thường bắt đầu vào thời điểm thủy triều sông Nile dâng cao hàng năm, trùng với dịp xuất hiện của sao Thiên Lang. Trong khi đó người dân ở Trung Quốc cổ chào đón ngày đầu tiên của năm mới vào kỳ trăng thứ 2 sau đông chí. Suốt nhiều thế kỷ, lịch đón năm mới của nhiều dân tộc rất khác nhau. Cho đến năm 46 trước công nguyên, Hoàng đế La Mã Julius Caesar quyết định giải quyết vấn đề chênh lệch về thời gian bằng cách mời các nhà toán hoặc và thiên văn học thời bấy giờ nghiên cứu cách làm lịch gọi là lịch Julian gồm 12 tháng (tổng cộng 355 ngày) có độ chính xác rất gần với lịch Gregorian mà chúng ta đang dùng hiện nay, và cùng việc phát minh ra lịch Julian, Hoàng đế Caesar chọn ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm mới.

Theo thatmah.com

Tin liên quan

Đang lấy bài viết liên quan...
Đang cập nhập hóa đơn, vui lòng đợi...